Tín hiệu tích cực của thị trường du lịch tàu biển
Với lợi thế là đất nước của biển đảo, với đường bờ biển dài 3.260km, hơn 4.000 hòn đảo cùng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, du lịch tàu biển, du thuyền của Việt Nam luôn có sức hút mạnh mẽ đối với du khách quốc tế…
Từ đầu năm 2023 đến nay, Việt Nam đón nhiều tàu quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Nhiều hãng tàu lớn trên thế giới như: Royal Caribbean Cruise Lines, Resort World Cruises… đã đẩy mạnh khai thác tuyến du lịch sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong đó, Việt Nam đang được xem là thị trường hấp dẫn khi đón nhiều lượt tàu quốc tế cao cấp với lượng khách lên đến hàng nghìn người mỗi chuyến.
XUẤT HIỆN TRÊN BẢN ĐỒ DU LỊCH BIỂN THẾ GIỚI
Gần đây nhất, tàu Spectrum of the Seas thuộc hãng Royal Caribbean Cruise Lines cùng hơn 4.000 khách quốc tế cập cảng Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Từ nay đến cuối năm 2023, hãng tàu này tiếp tục mang hàng nghìn du khách quốc tế đến Việt Nam. Bà Jessica RedFord, Giám đốc Đối ngoại của Royal Caribbean, cho hay trong năm tới, số lượng cảng biển Việt Nam mà tàu cập bến sẽ được nâng thành 3, thay vì 2 như năm nay.
Có thể nhận thấy rằng, thị trường du lịch tàu biển Việt Nam đang có những tín hiệu tích cực thông qua số lượng khách quốc tế đến đường biển ngày càng gia tăng. Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, chia sẻ du lịch biển đảo là một trong những sản phẩm du lịch chủ đạo của Việt Nam. Vì vậy, du lịch tàu biển đã được Chính phủ Việt Nam quan tâm định hướng phát triển. Hiện cơ sở hạ tầng tại nhiều cảng biển đã được đầu tư, nâng cấp, hiện đại như cảng Sài Gòn, Nha Trang, Quy Nhơn, Tiên Sa…
Bên cạnh đó, Việt Nam đã có một số hệ thống cảng biển nước sâu đáp ứng được yêu cầu cập cảng của một số tàu du lịch cỡ lớn trên thế giới như cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (Quảng Ninh), Chân Mây (Thừa Thiên – Huế), Tiên Sa (Đà Nẵng), Đầm Môn, Nha Trang (Khánh Hòa)… “Việt Nam sẵn sàng trở thành điểm dừng chân lâu dài và nhiều lần của du khách trong chuỗi hành trình khám phá châu Á và Đông Nam Á”, ông Khánh cho hay.
Hiện nay, khá nhiều các doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam khai thác các chuyến tàu biển quốc tế. Đơn cử, Công ty TSTtourist đang đẩy mạnh sản phẩm cao cấp là tour du thuyền 5 sao (Spectrum of the Seas) Singapore – Malaysia, khởi hành vào ngày 16/10 và 13/11. Ông Nguyễn Minh Mẫn – Giám đốc Truyền thông – Marketing cho biết, trong năm 2023, rất nhiều địa phương có thể tạo sản phẩm du lịch biển có sức cạnh tranh như: Hạ Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang)…
Ngay cả tại một thành phố tưởng chừng như không có thể mạnh về du lịch tàu biển là Huế, các hãng tàu du lịch tàu biển hạng sang như: Tập đoàn Star Cruises, Skysea Cruise Line, Princess Cruises, Oceania Cruises, Costa Crociere, hay du thuyền mang tên Ovation of the Seas… thời gian qua đã chọn cảng Chân Mây để cập bến. Trong đó, riêng tàu Celebrity Millennium (thuộc hãng tàu biển Royal Caribeen Cruise Lines của Mỹ) đã có 5 lần cập cảng Chân Mây. Vì thế, Cảng Chân Mây hiện đã thành thương hiệu trên bản đồ du lịch biển khu vực và thế giới.
GỠ BỎ NHỮNG RÀO CẢN
Theo các chuyên gia, hoạt động du lịch biển đảo đang chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam. Trong thời gian 3 tháng còn lại của năm 2023, ngành du lịch sẽ bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế và còn rất nhiều dư địa để vượt xa mục tiêu tăng trưởng trong năm nay cũng như để tiếp tục phát triển du lịch tàu biển nếu khắc phục được những khó khăn, hạn chế và gỡ được những rào cản cho du lịch tàu biển phát triển.
Tại hội nghị về du lịch tàu biển Thừa Thiên Huế diễn ra gần đây, ngành du lịch các địa phương đã đưa ra những thống kê mang tính tương đối để cho thấy tuy Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch tàu biển nhưng hạ tầng cơ sở cảng du lịch, nguồn nhân lực còn thiếu, trang thiết bị quản lý, giám sát, kiểm tra và hoạt động xúc tiến quảng bá chưa được đầu tư hiệu quả. Ngoài ra, số doanh nghiệp có khả năng đáp ứng các dịch vụ cho du khách tàu biển chưa nhiều, chất lượng dịch vụ đón khách du lịch tàu biển còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu dịch vụ đón khách cao cấp…
Một ví dụ thực tế, trung bình chỉ có khoảng 10% lượng du khách tàu biển cập cảng Chân Mây đến thành phố Huế tham quan. Có những chuyến tàu đưa 3.500 khách đến Chân Mây thì có chưa tới 20 khách lên bờ để tham quan Huế, đa phần du khách đi Đà Nẵng và Hội An hoặc ở lại trên tàu.
Theo ông Nguyễn Văn Chương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần cảng Chân Mây, có những khó khăn dẫn đến con số khiêm tốn này. Đó là Thừa Thiên Huế vẫn chưa có cảng hành khách riêng biệt. Các tàu du lịch đang cập cảng chung với cảng hàng hóa, khiến khách du lịch ngại xuống tàu. Hành trình di chuyển từ cảng vào trung tâm thành phố mất nhiều thời gian, trong khi việc tìm kiếm phương tiện khó khăn chưa kể giá dịch vụ cao…
Cũng tại hội nghị, một số doanh nghiệp lại quan tâm vấn đề làm thế nào để duy trì những dòng khách đến và trở lại. Thời gian gần đây, lượng khách Âu, Mỹ đi du lịch bằng tàu biển giảm hẳn, thay vào đó là khách đến từ Trung Quốc. Nhưng điều này không có nghĩa là các dòng khách Âu và Mỹ mãi không quay lại trong tương lai và các doanh nghiệp này cho rằng trước hết cần giải quyết bài toán đón du khách trở lại, chưa nói tới chuyện giữ chân khách tàu biển ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn. Các giải pháp được đưa ra có thể kể đến: đa dạng sản phẩm, tăng thêm sự chọn lựa cho khách du lịch cũng như miễn giảm một số loại phí cho khách tàu biển…
Tại miền Bắc, ông Phạm Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lux Group góp ý, hiện vẫn chưa có những quy định chung chú trọng việc phục vụ khách cho loại hình du lịch này và hiểu sâu sắc hoạt động du lịch trên du thuyền. Trong đó, việc phát triển hệ thống cảng biển chuyên dụng đón tàu du lịch biển và xây dựng hạ tầng du lịch, sản phẩm tour tuyến phù hợp phục vụ dòng khách này là những yếu tố quan trọng để thu hút du khách tàu biển tại các địa phương thời gian tới.
Ông Phạm Hà lấy ví dụ, chúng ta có thể thông giữa các vịnh để du khách khi tham quan vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ không phải đi ba hành trình khách nhau, ba du thuyền khác nhau. “Chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát hành trình qua GPS một cách dễ dàng,” Chủ tịch Lux Group nói. Đồng tình, bà Thủy Nguyên, CEO Omega Group cho rằng: “Trong một quần thể du lịch thì cần phải có sự đồng bộ, phối hợp và thống nhất, chung sức để cạnh tranh với các nước. Bởi khi khách bước chân lên bờ thì đó không chỉ là khách dừng chân ở một điểm đến, mà chính là du khách đang ghé thăm Việt Nam”.
Nguồn :vneconomy.vn