Cho một kinh nghiệm tốt hơn hãy thay đổi duyệt để CRÔM INTERNET OPERA hay Internet Explorer.

THÔNG TIN CÂY DÓ BẦU

I- THÔNG TIN CHUNG

Tên khác:                  Dó trầm, Trầm hương

Tên khoa học:          Aquilaria crassna Pierre ex. Lecomte

Họ Trầm:                   Thymelaeaceae

Hình 1: Cây Dó bầu ở Tháp Bà PoNagar

II- THÔNG TIN CHI TIẾT:

Hình thái:

Cây gỗ lớn, cao khoảng 20m, đường kính gốc đến 1m. Vỏ thân màu nâu xám, hoặc xám trắng.

Lá đơn, mọc cách, hình xoan, hoặc hình trứng; chồi ngọn có lông màu xám bạc.

Hoa tự hình tán, hoa lưỡng tính, tràng 5, màu vàng nhạt; nhị 10.

Quả nang 2 mảnh, hình trứng, có đài tồn tại; hạt 1-2.

Mùa hoa: tháng 3-5; mùa quả: tháng 6-8.

Hình 2: Dó bầu – cành lá

Sinh thái:

Mọc trong rừng dày ẩm, thường xanh, độ cao dưới 1.000m. Tái sinh hạt và chồi khá mạnh ở nơi đất ẩm; không chịu đất ngập úng.

Phân bố:

– Thế giới: phân bố ở Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

– Việt Nam: ở các tỉnh Hà Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Tây nguyên, Nam Trung bộ, Đồng Nai, Phú Quốc…

– Khánh Hòa: khá hiếm, mọc rải rác ở Ninh Hòa, Cam Lâm, Tp. Nha Trang,…

Hình 3: Dó bầu – hoa

Tình trạng bảo tồn:

-Loài cây quý hiếm, có tên trong Sách đỏ VN (EN – nguy cấp) và IUCN (CR – rất nguy cấp). Mặc dù phân bố rộng, nhưng do trầm kỳ (từ nhựa trong thân cây) có giá trị rất cao, nên cây Dó bầu bị lạm thác gần như tuyệt chủng trong tự nhiên. Nhiều địa phương đã nhân giống gây trồng để cấy tạo trầm.

Khánh Hòa là “Xứ Trầm hương” với sản phẩm trầm kỳ rất nổi tiếng, vì thế cây Dó bầu cần được bảo tồn và phát triển nguồn gen bản địa, phục hồi các làng nghề trầm.

Công dụng:

Gỗ mềm, nhẹ, không bền, ít được sử dụng làm hàng mộc. Vỏ cây dùng dây buộc hoặc nguyên liệu giấy.

Sản phẩm chính là trầm kỳ và tinh dầu trầm, được dùng trong y học và công nghệ sản xuất nước hoa.

Theo YHCT: trầm hương dùng để  giảm đau, an thần, chống nôn, trợ tim, cấm khẩu, ngạt thở, hen suyễn, tiêu chảy,…

HỘI BẢO VỆ THIÊN NHIÊN & MT. KHÁNH HÒA

Tham khảo:

  1. Aquilaria crassna (Agarwood) (iucnredlist.org)
  2. Sách đỏ Việt Nam, 2007. Phần II. Thực vật. p.347-348. NXB. Khoa học TN&CN.

 

lại bình luận của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đầu