THÔNG TIN CÂY MẤM TRẮNG TRÊN ĐẢO HOA LAN
I- THÔNG TIN CHUNG:
Tên khoa học: Avicennia alba Blume
Họ Ô rô: Acanthaceae (Avicenniaceae)
Hình 1: Mấm trắng (Avicennia alba)
II- THÔNG TIN CHI TIẾT:
Hình thái:
Cây gỗ lớn, cao đến 20m, đường kính 70cm; hệ rễ phát triển với nhiều rễ thở (hình măng) mọc dựng quanh gốc; vỏ thân màu xám nâu.
Lá đơn, mọc đối, hình xoan thuôn, mặt bên trên xanh nhẵn, mặt dưới có lông màu trắng, hai mặt lá có tuyến tiết muối thừa.
Hoa tự chùy gồm nhiều xim, mọc đầu cành, có gai, gồm 10-30 hoa. Hoa nhỏ 5mm, thơm; đài nhỏ, 5 răng. Tràng gồm 4 cánh đều, màu vàng cam, mặt ngoài phủ lông trắng; nhị 4.
Quả nang hình lê, hơi cong, đầu nhọn, màu lục xám.
Mùa hoa quả: tháng 6-12.
Hình 2: Mấm trắng – hoa
Sinh thái:
Cây ưa sáng, mọc trên đất bùn nhão ở cửa sông vùng ven biển, hoặc có thể phát triển trên đất bùn khô ven lạch; thích hợp khí hậu nóng ẩm nhiệt đới.
Là loài cây tiên phong trong tự nhiên, cần được gây trồng và phát triển nhằm tái lập rừng ngập mặn ở vùng ven biển.
Phân bố:
– Thế giới: Phổ biến ở Bangladesh, India, Đông Nam Á, Úc, Tân Guinea,…
– Việt Nam: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Trung bộ, Nam bộ.
– Khánh Hòa: Tương đối hiếm, ở đầm Nha Phu và đầm Thủy Triều.
Hình 3: Mấm trắng – quả
Tình trạng bảo tồn:
Cần được bảo vệ và nhân giống phát triển.
Công dụng:
Gỗ màu xám nhạt, mềm, nhẹ. Dùng trong xây dựng, trụ cột, đồ nội thất. Còn dùng làm củi đốt và than.
Quả ăn được. Nhựa cây sử dụng trong y dược.
Thành phần: Avicequinone và avicenol được phân lập từ vỏ thân của Avicennia alba, mẫu thu ở Singapore (Chihiro Ito et al., 2000).
Theo YHCT: Vỏ thân cây chế thành cao hoặc ngâm rượu uống, kết hợp lấy bông tẩm thuốc bôi lên chỗ lở loét chữa phong hủi, bệnh ngoài da, ghẻ, lỵ. Quả chưa chín giã nát, đắp chữa áp xe, mưng mủ.
HỘI BẢO VỆ THIÊN NHIÊN & MT. KHÁNH HÒA
Tham khảo:
Avicennia alba – Useful Tropical Plants (theferns.info)