THÔNG TIN CÂY TRÔM MỦ CÂY DI SẢN VIỆT NAM
I- THÔNG TIN CHUNG:
- Tên cây thường gọi: Trôm mủ (Sterculia foetida L.)
- Tên địa phương: Trôm mỏ, Trôm hôi
- Địa chỉ nơi có cây: Chùa Thiên Tứ – Tổ dân phố Mỹ Trạch – Phường Ninh Hà – Thị xã Ninh Hòa – Tỉnh Khánh Hòa.
Hình 1: Cây Trôm ở sân chùa Thiên Tứ
Hình 2&3: Cây Trôm – phía bên hông
II- THÔNG TIN CHI TIẾT:
- Tuổi cây: khoảng 270 năm
- Giải thích cách xác định tuổi cây:
Theo tài liệu lưu trữ, ngôi chùa này được xây dựng từ năm 1744, gần một gò đất với nhiều loài cây mọc hoang còn hiện diện cho đến ngày nay. Cây Trôm là một loài cây bản địa khá phổ biến ở Ninh Hòa, và đây là cá thể có kích thước lớn nhất được ghi nhận. Tính đến nay, cây Trôm đã tồn tại khoảng 270 năm.
- Chỉ tiêu đo đếm:
Gồm các chỉ tiêu: chu vi, chiều cao, bề rộng tán lá của cây
+ Chu vi đo sát gốc: 5,9 m Tính ra đường kính gốc (Dg): 1,9 m
+ Chu vi đo ở 1,3 m: 4,6 m Tính ra đường kính D1,3: 1,5 m
+ Chiều cao cây: 14 m Tán lá rộng: 15×18 m 4- Đặc điểm hình thái – sinh thái:
Hình 4: Kích thước cây Trôm
Cây gỗ lớn, thân thẳng, tròn, gốc có bạnh to; vỏ màu nâu xám; đặc biệt trong thân có tiết chất “gôm” dạng keo (dân gian gọi là mủ hoặc nhựa); thường rụng lá vào mùa khô. Lá kép chân vịt, gồm 5-9 lá chét, phiến khoảng 20cm, hình xoan, cuống dài 30cm. Hoa tự chùy, tạp tính; hoa màu nâu đỏ, mùi hôi; mẫu 5.
Quả đại kép, 3-5 đại, dạng mõ; 10-15 hạt/ quả.
Hình 5: Quả Trôm
Mùa hoa: tháng 3-5; quả chín: tháng 9-11.
Hình 6: Hoa Trôm – Quả chín & hạt
Cây Trôm phân bố tự nhiên ở các tỉnh Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận,…
Thích nghi với khí hậu khắc nghiệt, khô nóng, lượng mưa thấp, dưới 1.000mm/ năm. Mọc được trên đất trống, đồi trọc nghèo kiệt.
Gỗ có màu nhạt, nhẹ, không bền; làm đồ mộc thông thường. Nhưng nhiều nơi đã gây trồng để khai thác mủ. Mủ trôm được sử dụng làm thức uống giải khát, giải độc và chống táo bón; có giá trị dược liệu và làm mỹ phẩm. Hạt trôm có acid béo được dùng trong y dược.
- Hiện trạng của cây: Cây sinh trưởng bình thường, vẫn ra hoa, kết quả hằng năm.
- Giá trị về mặt văn hóa, lịch sử:
Cây Trôm ở trong khuôn viên của chùa Thiên Tứ, thuộc phường Ninh Hà, trước đây là vùng đồi thấp hoang vu ở ven đầm Nha Phu. Đây là một trong những di sản văn hóa tôn giáo liên quan đến Bồ tát Thích Quảng Đức (18971963), là một nhà tu hành đáng kính, bậc chân tu cao cả, quảng đại. Ông sinh năm 1897 tại làng Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, xuất gia từ năm 7 tuổi; sau khi trưởng thành đã nhập thất tại chùa Thiên Tứ. Trụ trì chùa hiện vẫn còn giữ bút tích viết tay (1943) có nhắc đến Thầy Thích Quảng Đức từng hành đạo tại đây.
Ngôi chùa Thiên Tứ đã có giai đoạn gắn bó với cuộc đời của Bồ tát, là nơi những người mộ Phật, các phật tử thường đến dâng hương, chiêm ngưỡng công đức những nhà tu hành đã khai phá vùng đất xinh đẹp này cho các thế hệ mai sau./.