THÔNG TIN CÂY SAO ĐEN CÂY DI SẢN VIỆT NAM
I- THÔNG TIN CHUNG:
1- Tên cây thường gọi: Sao đen
2- Tên địa phương:
3- Tên khoa học: Hopea odorata Roxb.
4- Họ Dầu: Dipterocarpaceae
5- Địa chỉ nơi có cây:
Địa danh: Đình Trung Dõng,Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (2013) – Thôn Trung Dõng 1 – Xã Vạn Bình – Huyện Vạn Ninh – Tỉnh Khánh Hòa
6- Tên cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý (sở hữu): Ban quản lý Đình Trung Dõng
Hình 1: Đình Trung Dõng – xã Vạn Bình
II- THÔNG TIN CHI TIẾT:
1- Nguồn gốc: Cây mọc tự nhiên
2- Tuổi cây: khoảng 800 tuổi
3- Giải thích cách xác định tuổi cây:
Tuổi cây được xác định căn cứ vào kích thước rất lớn của gốc và thân cây (D1,3: 2,7m). Ngoài ra còn dựa vào lịch sử xây dựng Đình vào năm 1653 (khi đó đã có các cây Sao lớn hiện diện), theo các bậc tiền nhân, đến nay cây có độ tuổi khoảng 800 năm.
4- Chỉ tiêu đo đếm:
4.1- Chu vi thân cây:
Chu vi đo từ 1,3m: 8,6 m Đường kính: 2,7 m
Chu vi bạnh vè: 14,8 m Đường kính bạnh vè: 4,7 m
4.2- Chiều cao cây: 26 m
Hình 2&3: Gốc và thân cây Sao đen
5- Đặc điểm hình thái:
Cây gỗ lớn, thường xanh, gốc có bạnh vè, vỏ thân màu đen, đôi khi có chai được tiết ra bên ngoài vỏ. Lá đơn, mọc cách, hình trứng, mặt dưới lá có các tuyến ở nách các gân bên.
Hoa tự là gié kép, hoa màu vàng nhạt, có mùi thơm. Quả bế, có 2 cánh do đài tồn tại. Gỗ bền, tốt, dùng trong XDCB và đóng tàu thuyền.
Sao đen thường được trồng làm cây cảnh quan đô thị, cây xanh tạo bóng cho các khu nghỉ dưỡng.
Hình 4&5: Hoa của Sao đen
6- Hiện trạng của cây:
Cây đã đến độ tuổi thành thục tự nhiên nên sinh trưởng kém, có hiện tượng mục bọng phía gốc và cành nhánh thưa.
Ngoài ra, phía sau và bên hông Đình vẫn còn đến 10 cây Sao tạo thành cụm quần thể, đường kính bình quân khoảng 1m, cây nhỏ nhất có đường kính trên 50 cm. Các cây này đều sinh trưởng tốt, ra hoa kết quả hàng năm.
7- Giá trị về mặt văn hóa, lịch sử:
Đình Trung Dõng được xây dựng từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần (năm 1653) trong quá trình dân cư khai khẩn vùng đất mới và lập thôn. Ban đầu đặt tên là Đình Trung An với kiến trúc đơn sơ mái tranh, vách đất. Đến năm 1838 nhân dân đóng góp tiền của xây cất lại ngôi đình có quy mô kiến trúc như ngày hôm nay.
Đình đã được các triều vua Nguyễn ban tặng 4 sắc phong (từ 1852-1909), sắc sớm nhất vào ngày 29/11/1852 ban cho dân làng thờ phụng Thần Thành Hoàng.
Đình Trung Dõng từng là nơi diễn ra các sự kiện lịch sử cách mạng trong hai cuộc kháng chiến. Từ năm 1943-1945, mặt trận Việt minh của xã Vạn Bình chọn làm nơi hội họp, tổ chức lực lượng chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa đầu tiên của huyện Vạn Ninh. Ngày 06/01/1946, Đình Trung Dõng là địa điểm đặt hòm phiếu bầu cử Quốc Hội Khóa I nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của nhân dân địa phương.
Đến nay, Đình Trung Dõng là một trong những ngôi Đình cổ còn giữ được nét đẹp cổ kính và lễ hội truyền thống của địa phương. Hằng năm, lễ hội cúng tế kỳ an đình làng được tổ chức vào các ngày 12/3 ÂL và 12/8 ÂL, diễn ra rất trang nghiêm theo phong tục cổ truyền, đông đảo người dân về dự lễ, qua đó thể hiện truyền thống tốt đẹp của địa phương, tính đoàn kết và tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng.
Ngày 05/12/2013, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định số 3097/QĐ-UBND V/v xếp hạng Đình Trung Dõng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.